987
Khi thầy hiệu trưởng tuyên bố “Thôi chúng ta kết thúc ở đây, thầy mong các em hãy sử dụng thời gian rảnh rỗi để đọc thêm về Khổng Tử và phi vụ đốt sách chôn thầy nổi tiếng ấy” thì đồng hồ đã chỉ gần sáu giờ rưỡi. Nắng đã tắt, và căn phòng chỉ còn sáng mờ mờ. Cuộc họp mà thằng Kiên mũi gãy làm om lên đòi cho bằng được đã kéo dài ròng rã bốn tiếng trong vô vọng.
Tội nghiệp thằng Kiên. Nó đã phải viết liền ba cái “Đơn Xin Xét Lại Về Sự Việc Đình Chỉ” và tốn cả một buổi sáng để ngồi tranh luận về các loại dấu phẩy, dấu chấm, trạng từ, định ngữ với mấy con mụ trong phòng đào tạo mới được nhà trường đồng ý tổ chức cuộc họp vô dụng này. Cụ thể hơn, trong khi nó khô nước bọt biện luận rằng vì “vì vậy” không phải là trạng ngữ nên chi chúng ta không cần thêm dấu phẩy vào câu “Vì vậy chúng em xin nhà trường xem xét lại,” mà cho dù “vì vậy” có là trạng ngữ thì vì ngữ pháp Việt Nam chưa hề bắt buộc có dấu phẩy sau trạng ngữ nên chúng ta không cần đặt dấu phẩy sau “vì vậy,” thì một mụ nói chuyện thằng con ỉa chảy với một mụ đang không ngừng xọc muỗng vào li sinh tố bơ vàng để múc một thứ nước nâu vàng lõng bõng nhét lấy nhét để vào mồm, và một mụ khác mắm môi mắm lợi bấm nối hai con Pikachu trong trò Pokémon kinh điển, mặt hai mụ bơ bơ như hai cái rế. Vì vậy, cuối cùng thằng Kiên phải viết cái đơn thứ tư, trong đó nó bắt đầu với “Cộng Hòa, Xã Hội, Chủ Nghĩa, Việt Nam,” và cho đến lúc ấy mới được duyệt đơn. Nghe nói thầy hiệu trưởng đọc tờ đơn giật cục của nó mà nước mắt lưng tròng, ngồi một mình trong phòng thầy chợt đứng thẳng lưng lên, thầy bảo “Tội nghiệp, các em, sinh viên, yêu mến, đối với thầy, thì cho dù, có phạm, phải lỗi, lầm nào, các em, cũng vẫn là, những búp, trên cành, biết ăn ngủ, biết học hành, là ngoan.” Thầy liền đích thân đứng ra tổ chức một buổi gặp mặt thân mật giữa các em sinh viên bị đình chỉ và các thầy cô liên quan hoặc có nhã ý muốn liên quan, thầy mời được ông thầy Tôn, lão thầy Hợi, ông thầy Bành. Lão thầy Tượng không tham gia được vì bận tích hợp bảng mã VNI vào hệ thống văn phòng điện tử của trường, còn ông thầy Tứ cũng xin kiếu để đi khám mũi, ổng nói mấy tuần nay mũi ổng giống như bị rối loạn chức năng, không còn phân biệt được thơm thúi chi chi nữa cả.
Nay thì bao công sức của thằng Kiên mũi gãy đã tan thành mây khói.
Cuộc họp kết thúc. Tôi nhìn lên góc cửa sổ. Con nhện của chúng tôi vẫn còn treo lủng lẳng ở đó, không bắt được con ruồi nào. Khi bước ngang qua cánh cửa để ra hành lang, tôi sực nhớ ra, có một số giống nhện có bản năng sinh tồn cao hơn những giống khác, đến mùa đói kém chúng có thể ăn thịt con của mình để sống sót. Có lẽ con nhện này thuộc một giống như thế chăng.
Hải Lẹo, Quang Tèo và tôi ra ngồi vỉa hè. Thứ bảy, bà Nhã dọn hàng sớm, nên chúng tôi chỉ ngồi chay với nhau, không trà đá không cà phê, châm thuốc rít từng hơi một. Không ai nói với ai câu nào, cũng như cái lần ông thầy Mẫn chết. Trời bữa nay cũng bíp có gì đặc biệt, trừ một bầu không khí quạnh quẽ trùm lên cả ba thằng. Ngay cả khi tôi búng điếu thuốc ra đường và nói “Tao bỏ,” hai đứa chúng nó cũng ngồi im ru, chỉ có cái đầu thằng Quang Tèo gật gù nhè nhẹ.
“Bốn Lồng là anh ruột của Năm Cư.” Hồi lâu, tự nhiên Quang Tèo nói một câu vô thưởng vô phạt.
“Sao mày biết?” Tôi ngạc nhiên hỏi.
“Năm Cư lại là hàng xóm của thầy hiệu trưởng.” Nó nói tiếp, không có vẻ gì là cốt ý trả lời tôi.
“Sao mày biết?” Tới lượt Hải Lẹo hỏi. Cây phả hệ này có vẻ làm nó tò mò.
“Nhà thầy hiệu trưởng cách nhà tao mấy căn.” Quang Tèo rít một hơi thuốc nữa. “Bố hiệu trưởng là đại tá hay thượng tá gì đó. Hồi tao còn nhỏ tao thấy Năm Cư chạy qua đấm bóp cho ổng ngày một. Lão đấm một hồi, lòi ra cái văn phòng phẩm.”
“À!” Tôi nói.
“Ờ. Tụi mày phải biết, không phải dễ mà đấu thầu được miếng đất làm văn phòng phẩm. Trẻ đấm lưng đã đành, già rồi cũng phải đấm mõm. Như Mike Tyson ấy.”
“À!” Hải Lẹo nói.
“Ờ. Nhà lão Năm Cư có năm đứa con, lão là áp út. Thiệt ra tên lão không phải là Cư, mà là Cu. Quê tao hồi xưa có tục đặt tên xấu cho dễ nuôi. Hồi nhỏ lão tên là Cu. Lớn lên lão thấy nhục với cái tên dâm tiện của mình quá, bèn chửi ông bố ngu si dốt nát, bắt lên ủy ban sửa giấy khai sanh lại, thành ra Cư. Em lão thì thành Sáu Cát. Bốn Lồng cũng vậy, thiệt ra không phải tên là Lồng. Nhưng mà cái này tao kể cho tụi mày nghe chơi thôi, chớ không có nghĩa lí gì.”
Nói xong, nó lại gãi mông cái nữa. Có vẻ trúng chỗ ngứa, mặt nó đê mê một niềm khoái cảm không lời. Rồi phủi đít đứng lên, nó nói:
“Thôi tao về trước.”
Nó liếc nhìn cái phù điêu xoắn ốc, đủng đỉnh bước đi, tay vẫn gãi sồn sột. Phố xá đã lên đèn. Từ trong sân trường vọng ra những tiếng “Kình! Cốp!”, tiếng ông thầy Tượng “Đếu, đếu rồi thưa các bạn!”, và tiếng lão thầy Hợi quát “Th-th-thằng kia l-l-lượm mau đi chứ!” Sau đó là tiếng một bà cô nào đó cười ré lên.