89

À, ruồi. Nhện ăn ruồi. Đôi khi tôi thấy một cái mạng nhện bỏ hoang, trên có xác một con ruồi chết, khô quắt, đong đưa. Nhện ăn ruồi. Nó giăng lưới bẫy ngang bẫy dọc trong một xó tối tăm bẩn thỉu nào đó. Lưới nó có chất dính, dính được ruồi. Đợi cho ruồi dính vào lưới, nó sẽ đu dây như chú thợ điện đến để bọc ruồi lại thành một mớ búi nhùi rồi tiêm nọc độc vào mình ruồi, mặc cho nạn nhân vùng vẫy và kêu làng “ối giời ôi.” Chất độc sẽ làm lục phủ ngũ tạng của con ruồi xui tận mạng tan chảy sạch bách ra thành nước, và nó trở thành một cái bình hồ lô đúng nghĩa. Con nhện sẽ cắm vòi vào cái bình hồ lô ấy và từ từ hút nước trong bình một cách đầy khoái cảm, như người ta hút sinh tố trên vỉa hè Phan Xích Long bên Bình Thạnh vào những buổi tối trời nóng nực vậy. Tôi chưa được chứng kiến thực mục bao giờ, nhưng đã đọc được chuyện đó trong sách. Có những con nhện ăn lẫn nhau, lại cũng có những con nhện cái chuyên môn ăn thịt nhện đực, nhưng đa số chỉ ăn ruồi. Ruồi ăn phân, nhện ăn ruồi, chim ăn nhện, người lại ăn chim và vãi ra phân cho ruồi ăn, ấy là cái vòng sinh thái khép kín, trong ấy mọi loài tương hỗ lẫn nhau. Ngày xưa tôi mê món sinh vật, thích trồng cây chiết cành nuôi cá, tóm lại là vườn ao chuồng các thứ. Cái năm tôi học bà cô Trân cùng với thằng con ỉa đùn khốn nạn của bả thì sự ham thích ấy có giảm đi đôi chút, nhưng vẫn còn khá dồi dào. Tôi cũng thích giàu nữa, vì khi giàu tôi có thể nuôi chó và làm văn tả nó một cách chính xác và thành thực. Tổng hợp hai niềm đam mê ấy lại, tôi quyết định sẽ làm giàu bằng một ngành nghề gì đó liên quan đến thú vật, nên năm lớp mười hai tôi đi tham gia một chương trình tư vấn nghề nghiệp do trường tổ chức. Tôi còn nhớ rất rõ cảnh tượng mụ béo trố mắt nhìn tôi, đẩy cặp kính lên xuống trên mũi, vận dụng toàn bộ sức lực để nín cười khi nghe tôi hỏi “Em yêu động vật, em nên học ngành nào?” Ban đầu thì mụ ngọ nguậy trên ghế, sau thì thân hình phì nộn của mụ rung bần bật, rồi cổ họng mụ phát ra những tiếng lục khục như con gà thiến. Phải nói là tôi rất thương những người béo và cái ghế của họ khi họ nín bất cứ một thứ gì. Mụ lấy hết sức bình sinh để định thần, vơ chai nước suối trên bàn, ngửa cổ ra uống một phát cạn queo, đằng hắng hai ba lần cho thông họng, rồi nói:

“Em có thể học thú y.”

Tôi bảo mụ rằng tôi không thích thú y, vì lúc bé tôi đã chứng kiến một thằng cha thú y kia bị đánh nhừ tử, người ta nói tại vì hắn không lo tiêm cho heo mà toàn lựa lúc ông chủ heo vắng nhà để đi tiêm bà chủ heo, cho dù hắn tiêm hơi bị hay, chỉ mới vài mũi mà da dẻ bả đã hồng hào và cái bụng bả phình lên trông thấy. Tôi lại đồ rằng học thú y thì khó mà giàu được. Mụ suy nghĩ lung lắm, mụ vò đầu bứt tóc đến hói tiệt, hồi sau “A” một tiếng, búng tay kêu “tróc,” đắc ý bảo:

“Em nên học kiểm lâm! Bắn chim! Bắt cá! Cưa cây! Vê lều! Vừa gần gũi súc vật vừa chóng giàu!”

Nên cuối cùng thì tôi ngồi đây.

results matching ""

    No results matching ""