13

Ngày bài tôi được dựng lên để chấm cũng là ngày ông thầy Mẫn về thăm trường lần chót. Đúng chín giờ sáng, chiếc xe tang chở cỗ quan tài của ổng chầm chậm tiến vào trường, qua cánh cổng bên có đắp bức phù điêu xoắn ốc chổng ngược, dừng lại trước sảnh để dự lễ viếng, hay lễ truy điệu, hay là một cái lễ con mẹ gì đó mà tụi tôi không biết tên. Tại đó thầy hiệu trưởng của chúng tôi đường bệ bước lên cái bục, đằng hắng vào mi-cờ-rô một cái, lại khạc hai cái cho thông giọng, rồi rút tờ giấy gấp tư từ trong túi quần ra, khởi sự đọc một bài dài bắt đầu bằng “Kính thưa quý vị đại biểu, lại kính thưa chư vị quan khách. Sau vụ án đốt sách chôn thầy mà chúng ta đều biết ấy, Khổng Tử có nói rằng...” Tiếp theo đó là một trung đoàn những “than ôi,” “hỡi ôi,” “trời ôi,” “ông ôi bà ôi” và tất cả những ôi từng có mặt trên trần gian, trong khi từ khắp các phía người ta bắt đầu hỉ mũi vào khăn mùi soa và vỗ tay, ban đầu còn lẹt đẹt ngập ngừng, sau thì ầm ào như lũ phi công tư bản Huê Kỳ lái may bay liệng bom đầy khí thế trong chiến dịch Bão táp sa mạc. Đợi cho tiếng vỗ tay lắng xuống, lão tài xế bèn giật cần số, đạp chân ga, chiếc xe tang lại chầm chậm lăn bánh trở ra, quẹo qua ngả Võ Văn Tần đi mất. Cái lệ từ xưa đã vậy rồi, mỗi khi có ai chết đi, bao giờ cũng có cái nghi thức ấy, cái nghi thức trong một ngàn một vạn nghi thức mà khi còn sống ông thầy của tụi tôi vẫn nhổ toẹt vào. Nhưng nay thì ổng chết mất đất rồi, cái việc ổng cần làm cứ phải là nằm thẳng cẳng giữa sáu tấm ván thiên thôi, người ta muốn diễu ổng đi đâu thì diễu, người ta muốn vỗ tay thế nào thì vỗ1.

Ông thầy Mẫn không ốm đau gì cả. Người ta nói ổng bị nhồi máu cơ tim vì huyết áp ổng cao mà lại thức khuya nhiều. Nghe kể lại, giữa lúc đang hăng hái giảng về mấy cái vườn zen rải cát và đám đèn đá của tụi Nhật Bản thì tự nhiên ổng ôm ngực ngã ra. Chở chưa kịp đến bệnh viện thì ổng đã vội ngưng thở. Rất vội. Ổng không có được cái phong thái điềm đạm của ông thầy Tôn. Cứ chiếu theo Lão Tử2 mà nói thì đời ổng cái gì cũng vội, mà lại chẳng bao giờ kịp. Còn chiếu theo Lưu Quang Vũ mà nói thì ổng là kẻ lữ hành tất bật, suốt đời vội đi suốt đời nóng ruột, chưa đến nơi đã chết lăn quay ra rồi.

Trời hôm ấy không có gì đặc biệt, chim vẫn bay và mây vẫn hót, trời không nắng trời cũng chẳng mưa, chỉ có chút gió xoáy mà hồi nhỏ người ta vẫn hù chúng tôi là gió ma, cái loại gió vẫn hay cuốn bụi mù tung lên dưới gốc mấy cây dương ngoài nghĩa địa. Tụi sinh viên chúng tôi đứng hai bên sảnh trường hết nhìn mấy tờ giấy vàng in hàng chữ Tàu màu đỏ bầm xoay xoay bay đằng sau chiếc xe màu đen có chạm hình con rồng lại quay sang nhìn nhau, đứa nào đứa nấy mặt mày ngơ ngác.

Vậy là xong. Người ta chết, ấy cũng là chuyện thường thôi. Rất thường. Tôi nhớ cái cảnh ông thầy Mẫn một tay đút túi quần, một tay để sau đít, vừa đi đi lại lại vừa giảng bài oang oang trong phòng học, nhớ lúc ổng mất đà suýt ngã chổng gọng trên bục giảng vì người đã lùn một khúc lại còn ráng kiễng chân vẽ cho thật tròn cái vòng xoắn tỉ lệ vàng, nhớ ổng chửi “Ngu” và gạt người ta té chúi nhủi sang hai bên trong những giờ chấm đồ án, nhớ điệu cười nhếch mép khinh bỉ và cái cách ổng xé đôi tờ tạp chí giấy bóng chụp hình tòa cao ốc lợp kính có dãy cột Corinth3 phía trước sảnh. Thằng Tuấn mập nhắm mắt lại, nước mắt nó chảy thành dòng không buồn quẹt. Hải Lẹo mắt nháy liên tục. Quang Tèo không nhắm cũng không nháy mắt, đầu nó cúi nhưng cặp mắt nó long lên dưới cặp lông mày xếch, nhìn rất dữ dằn. Tôi nhìn tụi nó mà đoán có lẽ tụi nó nhớ ông thầy của chúng tôi. Chúng tôi nhớ ông thầy của chúng tôi. Nhưng ai mà chẳng phải chết. Người giỏi chết mà người dốt cũng chết. Người khôn chết mà người dại cũng chết, chỉ những đồ giả chết là sống, cho dù là sống thối nát, sống bần tiện, sống vật vờ vất vưởng. Có phải thần thánh đâu mà đòi bất tử – làm người thôi là đã khó bỏ mẹ rồi. Lễ viếng kết thúc thành công tốt đẹp, chúng tôi đồng chí đồng lòng vỗ tay một lần sau rốt, rồi tản ra vỉa hè phía sau trường ngồi uống cà phê, đợi kết quả bài đồ án. Trong thi ca nhạc họa người ta nói những lúc như thế này thì cà phê đắng lắm, rồi từng giọt buồn rơi, rồi chỉ chừng đó thôi, rồi hồn thấp thoáng thấy bóng thầy Mẫn về chìm trong đáy cốc, đôi mắt u buồn thiên thu. Chỉ láo. Láo tất thảy. Tụi nhạc sĩ chó đẻ. Li cà phê vẫn như thế thôi, pha sẵn, ba phần khoai lang hai phần vỏ bắp, nhờ nhờ như nước cống, uống vào lờ lợ. Tôi phân công thằng Quang Tèo vào xem chấm bài, rồi tháo đôi dép đứt quai lót đít ngồi, châm điếu thuốc rít một hơi và nghĩ ngợi lan man không biết ông thầy Mẫn chết rồi thì bài đồ án của tôi ai sẽ lãnh chấm chính, thầy Bành chăng, hay thầy Tư, hay là một thể loại nào đó như cô Kim chú Thảo. Sau đó tôi vẩn vơ tự hỏi nằm trong quan tài chật chội như thế thì làm sao ổng đút tay túi quần với đặt tay sau đít được, với không biết cái mũ bê-rê của ổng người ta vứt đâu rồi. Xong tôi lại lo, không biết lúc người ta vào viếng tang ở nhà ổng, lúc người ta khiêng quan ra cổng, lúc người ta đốt nhang và vứt loạn xạ mớ giấy vàng mã, lúc người ta rên rỉ khóc lóc và đấm ngực, lúc người ta làm bộ mặt u sầu, lúc người ta nhắm mắt lờ đờ và cúi gằm xuống đi như thằng tử tù vừa ăn xong tô phở hút xong điếu thuốc cuối cùng và đang ra pháp trường chịu bắn mất xác, thì có ai cả gan giẫm chân lên hai chữ ĐM hay không.



1. Chỉ trừ thằng Minh cụt, vì thằng này bẩm sinh không có bàn tay, nó vẽ bài bằng cách kẹp bút vào cùi chỏ. Nhưng cũng nhờ cụt tay mà nó được biểu dương trên ti vi, lại được biểu diễn nặn tượng bằng cùi tay và mồm, nên cuối cùng nó cũng không lấy sự tật nguyền làm điều.
2. Lão Tử là một lão ở Trung Quốc cổ đại, chuyên thuyết vô vi tức thị “không hành vi gì cả.” Lão ấy nói rằng cứ từ từ, cuộc sống không cần phải vội đâu. Nói xong thì lão tử.
3. Là một loại cột có từ thời Hy Lạp hoặc La Mã cổ đại. Cũng như tất cả các loại cột khác, cột Corinth dùng để chống nhà. Nhưng khác với những loại cột thông thường, đầu cột Corinth có đắp phù điêu hoa lá các loại, để cho đẹp, nhìn cho sang, phù hợp với giai cấp quý tộc.

results matching ""

    No results matching ""