1

Nếu bạn hỏi tôi học trường gì thì tôi sẽ rất thành thật mà trả lời rằng tôi học trường đại học. Và thế thôi. Chấm hết. Không có thông tin gì thêm. Đúng, tôi học đại học. Đại học chính cống ấy, không phải là cái thể loại ngớ ngẩn “những trường đại học của tôi” của khứa lão rậm râu sâu mắt bên Nga ngố là Maxim Gorky. Tức là, một cái trường đại học theo đúng nghĩa vật lí, có dạng khối lập phương, làm bằng bê tông, màu xám, nằm thù lù ở một ngã tư thành phố – nơi cuộc sống vẫn reo vui từng giờ và mỗi lúc tan tầm người và xe lại nối nhau bơi trên đường – nghiêm nghị và cáu bẳn như một lão già táo bón ngồi phải bụi xương rồng. Mỗi năm trường này đón một ngàn sinh viên mới vào trường và tống tiễn khoảng năm trăm đứa tốt nghiệp ra trường. Một ngàn đứa mặt còn lún phún lông tơ, má phúng phính hồng hào sẽ lao vào trường sau kì thi bốc lủm thành công, ngang qua mặt mụ giữ xe ngang nhiên như ở nhà mình, liều mình như chẳng có. Nhưng rủi thay, mụ ấy vốn xuất thân bán bánh tráng nướng ngoài công viên trước cổng dinh Độc Lập, vì kế sinh nhai mà hằng ngày phải láo liên ôm bỏng tay cái lò than đỏ rực chạy nấp công an hết gốc cây này đến bờ bụi nọ, trui rèn được trực giác nhanh nhạy và tốc độ phi thường, đã đưa bàn tay múp míp ra chặn chúng nó lại và quát lớn “Tiền giữ xe đâu?” – cũng giống như ngày xưa vẫn hay gọi nhau rằng “Đù mẹ công an tới!” Sau khi lập cập móc hai ngàn đồng ra đưa cho mụ bằng hai tay, chúng nó sẽ được dắt xe vào nướng trong cái bãi giữ xe nắng chang chang không có lấy một gốc cây ngọn cỏ, rồi bắt đầu vừa rụt rè bách bộ trên hành lang vừa nhìn bàn ghế với cặp mắt bỡ ngỡ, nhìn đàn anh với cặp mắt nể nang, nhìn thầy cô với cặp mắt thần tượng, và nhìn lẫn nhau với cặp mắt soi mói, tóm lại là mỗi đứa có bốn cặp mắt cả thảy, xoay đảo liên tục giống như con tinh nhền nhện trong phim Tây Du. Năm trăm đứa kia thì lờ đờ thiếu sinh khí, tóc tai rũ rượi, mình mẩy cáu ghét vằn vện, đứng bảo vệ luận án mà tay gãi như đánh đàn tơ-rưng trên đỉnh non cao hát rằng “chim Kơtia bay tới i ế ê hê.” Đừng hỏi số năm trăm đứa còn lại đã rớt rụng ở đâu – tôi không biết mà cũng không chịu trách nhiệm về chúng nó. Bạn có thể chịu trách nhiệm về vụ rớt máy bay ở Ba Lan, dịch cúm gà lan trên diện rộng ở Anh, tàu điện ngầm trễ giờ ở Singapore, động đất sóng thần ở Nhật Bản, biểu tình xịt hơi cay ở phố Wall, nền giáo dục xuống cấp ở Triều Tiên1, dân trí thấp ở Na Uy, tự do ngôn luận ở Phần Lan, xe tăng kẹt ở Thiên An Môn và hằng hà sa số những thứ cao siêu vô hình khác, nhưng chịu trách nhiệm về con người là một việc làm thuộc vào hạng thượng thừa của ngu xuẩn. Tức là đỉn của đỉn. Chớ dại. Ấy là tôi đang nhìn vào bản thân tôi mà biết thế. Cứ thử nghĩ xem, nếu ở đâu đó có một thằng người chịu tất cả trách nhiệm về tôi, tôi không mua bảo hiểm xe máy thì hắn bị cảnh sát giao thông phạt tiền, tôi ăn cắp thì hắn xộ khám, tôi giết người thì hắn ngồi ghế điện, tôi đút tiền thì hắn được thả, thì có lẽ hắn sẽ tuyệt vọng lắm khi giữa cuộc họp lão thầy Hợi trưởng khoa của chúng tôi, sau mười phút dùng cả mười một ngón tay để ngoáy mũi, đã đập bàn một cái RẦM mà lắp bắp gào lên rằng:

“Đ-đuổi! Phải đ-đuổi tất cả chúng nó! Lũ v-v-vô học! Mất d-d-dạy! Lừa trên d-d-dối dưới! Đ-đuổiiiiiiiii uổiiiiiii uổiiiiiiiii!”

Như bạn thấy, bất kể sự thể cà lăm, lão vẫn quang quác như gà. Tôi sẽ không mấy ngạc nhiên nếu thấy lão đập cánh bay lên bàn, trong khi thầy hiệu trưởng vung đũa lên, rồi tất cả ngồi quanh bắt nhịp bài dân ca Cống Khao rằng “Gà gáy té le té le sáng rồi ai ơi.” Nhưng tôi nói lão quang quác, chứ không gáy. Chỉ có gà trống mới gáy. Lão không phải gà trống. Lão chẳng là cái gì trống. Lão pê-đê một cây. Cây sun sun, nhưng vẫn là cây. Tất nhiên lão đã bỏ công nuôi dưỡng hàng râu con kiến lơ phơ mà lão hay dùng tay vuốt vuốt se se mỗi khi giảng bài, lão cũng có vợ đẹp con ngoan, lão tập tạ, và khi đi trên hành lang lão hay làm ra dáng khệnh khạng như tay diễn viên hay đóng mấy bộ phim vai u thịt bắp bắn súng ngắm là Bruce Willis, nhưng lão vẫn là pê-đê chính hiệu. Chính là từ thằng Hải Lẹo bạn tôi mà cái tin ấy được loan ra toàn trường. Nó cũng là pê-đê, nhưng – như nó nói với tôi – đừng bao giờ mong chờ gì ở lão một tình hữu ái giới tính, cũng như thằng Quang Tèo có thể vứt cái niềm hi vọng tình đồng hương với thầy hiệu trưởng vào sọt rác vậy. Hải Lẹo đang ngồi bên trái tôi, mặc cái áo thun truyền thống màu đen có in hình cái mê cung chuột chạy, giương mắt lên nhìn và thỉnh thoảng há mồm ngáp vặt. Quang Tèo thì ngồi cách tôi hai thằng nữa, đầu nó gằm gằm, tay nó miết tới miết lui vào cạnh bàn đến đỏ ửng lên, người không biết thì tưởng như nó đang bị lương tâm giày vò ghê gớm lắm, nhưng thật ra là nó bị một loại dị ứng kì quặc đã mấy năm nay: cứ hai ngày không uống thuốc sẽ bị ngứa ngáy toàn thân, ban đầu là ngứa đầu, sau ngứa lan xuống đầu các ngón tay ngón chân, rồi mẩn đỏ nổi từ gáy xuống tới mông, nên chi nó cứ phải cần cù gãi mãi. Hải Lẹo và Quang Tèo, cả hai đứa chúng nó cùng bị đình chỉ một học kì với tôi, một lượt, thẳng cánh, không khoan nhượng. Có tổng cộng hai mươi lăm đứa sinh viên cùng được mời vào phòng kiến nghị đợt ấy. Không đứa nào thoát. Cả tôi cũng không. Ông thầy Trạch động hớn thế nào lại đi nghỉ mát, khi ổng về thì sự đã rồi. Mà nếu như bạn chưa biết, ổng chính là thần hộ mệnh của tôi trong suốt mấy năm mài rách cả đít quần trong cái trường này. Ổng đi nghỉ mát một tuần, còn tôi thì bị đình chỉ một học kì - hai chuyện nghe chẳng liên quan gì đến nhau thành ra lại dính nhau như keo dính chuột. Nghe rất phi logic, sự ấy đã rõ, nhưng thật ra thì bới trong cái trường của tôi, cũng như trong một cái bẫy keo dính chuột, không bao giờ ra một cái gì có thể gọi là logic hết.

Để chứng minh cho bạn thấy tính bất khả lô gô đó, tôi xin dẫn một cái ví dụ búa bổ sau đây. Trường tôi có một khoa gọi là khoa “Tin học căn bản,” ngụ ở cuối hành lang tầng hai bên tay phải, đoạn nhìn ra sân quần vợt. Tôi sẽ kể cho các bạn nghe về cái sân quần này sau, nhưng giờ thì chúng ta tập trung vào khoa “Tin học căn bản” trước đã. Khoa này dạy một môn gọi là Lập Trình Căn Bản Với Pascal. Cam đoan với bạn, trước khi vào trường, đứa thông thái nhất trong bọn tôi cũng chỉ biết – qua một bài tập đọc thời tiểu học – Pascal là một lão kia mồ côi mẹ, ngụ ở xứ Phơ Răng Xoa hồi đầu mấy thế kỉ trước. Ban đầu lão cũng là sinh viên mài quần như tụi tôi, không hơn không kém. Nhưng rồi trong quá trình bền bỉ mài quần của lão có một chuyện kinh thiên động địa xảy ra. Ấy là, nhân một bữa thấy bố mình đêm hôm thức khuya tính toán tiền cho vay nặng lãi mệt nhọc quá, lão mới cọc cạch chế ra một cái máy tính cùi bắp chạy bằng ròng rọc dây chuối, đưa cho ông bố làm con chuột lang thí nghiệm. Chẳng may cái máy cùi bắp đó lại hoạt động rất là vô cùng một sự năng suất, từ đó bố lão cho vay nặng lãi như chim bay, gia đình khá khẩm lên liền liền, có tiền nuôi lão ăn học thành bác học. Ấy chính là thằng Cường Dương bảo với chúng tôi thế, mà suy về mặt thường thức phổ thông thì rõ ràng Cường Dương là đứa khá khẩm nhất bọn. Còn những lũ kia thì tuyền là mù dở cả, từ nhỏ tới lớn chúng nó chỉ đọc sách Kĩ thuật nông nghiệp có lợn Móng Cái và trâu Mura. Đối với chúng nó thì Pascal không nổi tiếng bằng Pasteur; Pasteur nổi tiếng hơn vì là cái tên đường đến trường, hai bên có quán nhậu thịt chó. Thế thôi. Có ăn sút vào mặt chúng nó cũng không thể nào tưởng tượng được đến một ngày nào đó lại phải biết một thể loại Pascal thổ tả như thế này:

program DonXinPhep; 
uses CRT;
begin 
clrscr; 
writeln('**********************************'); 
writeln('Cong hoa Xa hoi Chu nghia Viet Nam'); 
writeln('Doc Lap - Tu Do - Hanh Phuc'); 
writeln('DON XIN PHEP NGHI HOC'); 
writeln('Em ten là: Frank Lloyd Wright'); 
writeln('Em xin phep nghi buoi hom nay'); 
writeln('Vi li do: bi san cho'); 
writeln('**********************************'); 
readln; 
end.

Lão thầy Tượng da đen bụng phệ cúi người chổng cặp mông phì nộn về phía chúng tôi, lúi húi viết một mạch cái mớ hổ lốn trên lên bảng rồi quay lại thuyết rằng: “Cái này á, cái này là đơn xin phép, viết bằng ngôn ngữ lập tình Phát Xơ Can á. Phát Xơ Can là ngôn ngữ lập tình cơ bản nhứt á. Các anh chị á, ai trong các anh chị mà muốn sau này làm lập tình viên thì nhứt quyết phải học Phát Xơ Can. Không học Phát Xơ Can á, thì nhứt quyết mấy anh chị không có lập tình được. Mà không lập tình được á, là coi như xong. Xong! Xờ ong xong quyền xòng. Các anh chị á, đừng tưởng tui đùa với các anh chị, mà ở đó giơ răng ra cừ đi á. Loạng quoạng tui cho mấy anh chị rớt hết môn lập tình Pát Xơ Can này á, rồi ở đó mà cừ đi á.”

Nhưng khốn nạn, nào có ai dám cười đâu. Cũng chẳng đứa nào dám hó hé tiếng nào, trừ thằng Chí Đỏ với lòng can đảm phi thường đã sọ sẹ giơ tay lên hỏi “Thưa thầy tại sao lại là bi san cho mà không phải là bị sán chó hả thầy” và há mỏ khi bị ông thầy Tượng nạt rằng “Anh ngu thì cũng ngu vừa vừa thôi, VNI đâu ra mà đòi bị sán chó,” còn thì chúng tôi nhìn đống chữ cái đầy dấu ngoặc, dấu chấm phẩy với dấu hoa thị mà mặt đứa nào đứa nấy méo xẹo như mặt heo đeo gông. Không đứa nào biết ôn đơ cái gì vào với cái gì. Cũng như không đứa nào mường tượng ra được tại sao muốn nghỉ học lại phải xin phép, tại sao xin phép nghỉ học lại phải gõ bằng Phát Xơ Can thay vì lôi giấy bút ra phóng tác luôn cho khỏe, rồi vài ba năm sau ra trường vẽ nhà cửa cầu cống sẽ áp dụng cái đơn xin phép sán chó này vào đâu và ra làm sao. Quang Tèo quay sang nhìn tôi, tay gãi mông một cách nhứt quyết. Tôi nhìn Hải Lẹo. Hải Lẹo lại nhìn Công Gù. Chúng tôi ngơ ngác nhìn nhau, rồi cả bốn đứa nhìn lên bảng, mặt mày đờ đẫn, bụng chửi lão Pascal chó chết bên trời Tây và cái máy cho vay nặng lãi chạy bằng dây chuối của lão không ra miếng mẻ nào.

Lão thầy Tượng quả không nói chơi. Viết xong cái chương trình Don Xin Phep Nghi Hoc Vi Li Do Bi San Cho, lão bắt chúng tôi về nhà viết một chương trình khác. Chương trình này có một tác dụng kinh hồn là đoán biết số chẵn lẻ. Tức là bạn phải sắp xếp các thứ Program, Begin, Berlin, Berger, Burger, Writelìn theo một thứ tự sao sao đó, mà khi nhấn Ctrl F9 chạy lên nó không kêu bíp bíp như những đồ đê tiện, mà nó phải hiện ra màn hình đen ghi rằng Hay nhap so cua ban vao day với cái gạch đít màu trăng trắng nhấp nháy thò thụt, rồi bạn nhập một con số bất kì vào, và nó sẽ căng não tính toán một cách rất thông thái, tức là nó chia số đó cho hai xem có lẻ một hay chăng, rồi hiện ra một dòng chữ nữa rằng Cai so mà ban vua nhap vao a, nhut quyet no la so le. Ban co muon tiep tuc khong? Yes No. Nếu bạn gõ Yes rồi nhấn Enter thì nó lại hỏi Hay nhap so cua ban vao day, và lần này nó sẽ nói Cai so mà ban vua nhap vao a, nhut quyet no la so chan. Ban co muon tiep tuc khong? Yes No và cứ thế mãi, cho đến khi bạn nhập vào Cai du ma cut me may di thì nó “bíp” một phát như người ta đánh rắm, hiện ra Cai so ma ban vua nhap vao a, nhut quyet no la so deo gi the? rồi tắt ngỏm. Trừ phi tôi bị thiểu năng hạng nặng và không thể phân biệt số chẵn số lẻ với nhau, còn không thì Lập Trình Căn Bản Với Pascal là một môn học vô nghĩa khôn cùng. Nhưng lão thầy Tượng không nghĩ thế. Tức là lão không màng cái logic ấy á. Lão bắt chúng tôi viết chương trình chẵn lẻ học, xong lão lại tổ chức một tiết thực hành. Chúng tôi ngồi trước mấy cái máy tính cũ từ đời những năm tám mươi có màn hình nhựa cứng cong và đen như mông hoa hậu châu Phi mà mồ hôi túa ra lạnh toát cả đũng quần, còn lão thì đút hai tay vào túi đi từ từ từ đầu phòng đến cuối phòng, rồi hốt nhiên dừng lại, như ma heo hiện ra từ trong cõi hư vô, bắt Quang Tèo chạy chương trình cho lão xem. Quang Tèo bèn nhắm nghiền hai mắt lại, hít một hơi dài đến phổi, khí tụ đan điền, gãi mông một cái lấy thớ, rồi sè sẹ lần mò nhấn Ctrl F9. Máy kêu “bíp”, hiện lên một đường đỏ ghi chữ trắng đại ý Dấu chấm phẩy đang rất được mong đợi ở dòng thứ bảy. Quang Tèo liền quýnh quýu bỏ đại một lô dấu chấm phẩy vào những chỗ bất kì mà nó thấy khả nghi trên dòng thứ bảy, xong lại lập cập nhấn Ctrl F9. Máy lại kêu “bíp”, hiện ra Dấu ngoặc thể hiện không hợp lệ ở dòng thứ ba mươi mốt. Lần này thì mặt Quang Tèo đực ra như ngỗng ỉa, vì trên dòng thứ ba mươi mốt nó không thấy dấu ngoặc nào cả, thế còn trên dòng thứ ba mươi hai thì có đến ba cái ngoặc nhọn, một cái ngoặc vuông và hai cái ngoặc tròn. Nó quay qua nhìn lão thầy Tượng cười một nhát cầu tài, khen má thầy phính quá nhỉ, rồi lãnh ngay con dê-rô ghi thẳng vào sổ, sau đó bị cấm thi cuối kì. Tất cả vì nó không viết được một cái chương trình khả dĩ có thể giúp con người nhận biết được số nào chẵn số nào lẻ, trong khi nó đã dành nguyên năm lớp mười hai, thức khuya võ mắt, bật đèn vàng bóng tròn hói cả tóc để học tích phân, logarit, vòng benzen, và được người ta dạy rằng vận tốc tuyệt đối của ánh sáng trong chân không là một hằng số độc cô cầu bại. Tôi đã nói rồi, không có logic gì hết, bạn cứ tự đi hỏi quanh mà xem lấy. Chí ít cũng sẽ có thằng Quang Tèo đồng ý với tôi. Có lẽ nó cũng sẽ vừa gãi mông vừa hỏi ngược trở lại luôn bạn một câu mà nó đã ấm ức trong lòng từ rất lâu, rằng “Cuối cùng thì dấu ngoặc thể hiện không hợp lệ là cái con mẹ gì? Hả? Mày ngon mày trả lời tao coi, cái con mẹ gì thế?”

Thật ra mà nói thì trong vụ bị cấm thi cuối kì thì Quang Tèo cũng chẳng oan uổng gì cho mấy. Vì cả trường ai cũng biết lão thầy Tượng không phải là hạng khó chịu. Lão chỉ tỏ ra táo bón thế thôi, chứ bản chất lão vẫn là một ông thầy dễ chơi. Thứ nhất là vì lão còn trẻ, khi người ta trẻ thì cái tâm địa người ta tốt lành cũng như lông mũi người ta đen nhánh. Thứ hai, lão làm nghề tin học – cho dù là tin học Phát Xơ Can – suốt ngày lão nói chuyện nhị phân, nên chi đối với lão mọi thứ đều rất khoa học. Cụ thể hơn, ở nhà lão có treo hẳn một tờ giấy cỡ A2 trong phòng khách, được trang trí rất chi tiết với đường diềm và hoa văn, với nội dung vô cùng trực quan như sau:

STT Số điểm Giá tiền (₫)
1 0,5 300.000
2 1 400.000
3 1,5 hoặc 2 500.000
4 2,5 hoặc 3 600.000
5 3,5 hoặc 4 700.000
6 4,5 hoặc 5 800.000
7 >5 Liên hệ

“Cái này á, nếu bỏ cái cột Số thứ tự đi thì trong lập tình ngừ ta gọi là Hát Ta Bồ, tiếng Việt dịch ra là bảng băm á” – một bữa cao hứng lão giải thích với tụi tôi như vậy. Đừng hỏi tôi bảng băm Hát Ta Bồ nghĩa là gì, có cho các vàng tôi cũng chịu chết. Nhưng dù ngu dốt ra sao mặc lòng, vì sự học vinh quang, chúng tôi cũng phải ráng sức góp tiền lại gắn Internet Viettel để mò mẫm lên Wikipedia tìm hiểu, và cuối cùng sau năm cùng tháng tận cũng đã hiểu được một cách nôm na. Nôm na mà nói, cứ chiếu theo cái bảng này thì Quang Tèo bị băm ở mục số 6: nó bị dê-rô nên thiếu 5 điểm nữa mới đủ điều kiện đi thi, vậy thực hiện phương pháp ánh xạ ta có kết quả là nó phải đóng cho lão thầy Tượng tám trăm ngàn. Như bạn thấy, do đặc thù nghề nghiệp, lão giải quyết mọi thứ theo một phương pháp vô cùng khoa học. Chết dở là Quang Tèo không xoay đâu ra cho kịp tám trăm ngàn trong vòng một tuần, khoa học hay phản khoa học cũng mặc kệ, nên chi nó bị cấm thi. Có những người sinh ra để thành bác học, như Lê Quý Đôn và Lê Quý Nin, một ông làm thơ “rắn đầu biếng học,” ông kia viện cớ bận học để không đi bắn chim cùng với chúng bạn, mặc cho chúng nó rủa xả thôi rồi. Lại có những người sinh ra chỉ để thất học, bạn rủ đi bắn chim cũng phóng, mà bạn rủ đi bắt rắn cũng tót, như Lê Quý Quang Tèo. Phải, Quang Tèo là một trong số đó.



1. Thật ra thì nền giáo dục Triều Tiên không hề xuống cấp. Nghe nói cứ mỗi đầu năm lại có hàng đàn chim én bay quanh ngôi trường cấp hai duy nhất ở Bình Nhưỡng, vừa bay chúng nó vừa hót vang lừng rằng “Nền giáo dục Triều Tiên muôn năm chíp! Muôn năm chíp! Muôn năm muôn năm chíp!”

results matching ""

    No results matching ""